Những bất tiện khi niềng răng và cách khắc phục

Những bất tiện khi niềng răng

Niềng răng là một trong những phương pháp thẩm mỹ răng miệng được thực hiện khá nhiều hiện nay bởi nhiều đối tượng. Sau khi chỉnh nha, các răng được sắp xếp ngay ngắn, đúng vị trí, khớp cắn chuẩn. Thế nên, không chỉ đạt yêu cầu về thẩm mỹ mà còn hoàn thiện chức năng ăn nhai tốt. Tuy nhiên, để có thành công như thế thì khách hàng phải trải qua thời gian dài niềng răng. Trong suốt thời gian này có những bất tiện ảnh hưởng đến sinh hoạt, cuộc sống rất nhiều. Cùng My Auris tìm hiểu xem những bất tiện khi niềng răng qua bài viết dưới đây nhé. 

Hiểu hơn về phương pháp niềng răng

Niềng răng là phương pháp chỉnh nha sử dụng kỹ thuật và các khí cụ chuyên dụng trong nha khoa. Các khí cụ tác động lực giúp răng dịch chuyển về đúng vị trí trên cung hàm, cân đối khớp cắn. Khí cụ chỉnh nha có thể là cố định như hệ thống mắc cài, dây cung, dây thun hay khí cụ tháo lắp như khay niềng trong suốt. 

Chất liệu tạo nên khí cụ lành tính, an toàn nên không gây kích ứng, dị ứng trong môi trường khoang miệng. 

Thời gian điều chỉnh răng trung bình khoảng 18-24 tháng, thậm chí dài hơn. Tuy nhiên, thời gian này còn khác nhau tùy vào mỗi người thực hiện bởi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố: tình trạng sai lệch, phương pháp thực hiện, tay nghề bác sĩ,… 

những bất tiện khi niềng răng
Hiểu hơn về phương pháp niềng răng

Những bất tiện khi niềng răng và cách khắc phục

Mặc dù niềng răng đem đến nhiều lợi ích cho khách hàng sau khi thực hiện, tuy nhiên thời gian đeo niềng chỉnh nha không hề dễ dàng. Do đó, trước khi quyết định niềng răng nên tìm hiểu kỹ những bất tiện khi niềng răng để chuẩn bị tâm lý thật vững vàng. 

Dưới đây là những bất tiện khi niềng răng mà hầu như người niềng răng nào cũng trải qua:

Đau nhức và cực kỳ khó chịu

Đau nhức, khó chịu và vướng víu là những bất tiện, khó khăn đầu tiên phải trải qua khi niềng răng. Cảm giác này dù được cảnh báo trước nhưng một số người vẫn không chịu nổi, thậm chí đau đến nổi chảy nước mắt. Từ đó, khó chịu không thể ăn uống, sinh hoạt, hoạt động. Tuy nhiên, cảm giác đau này có thể thuyên giảm dần khi bạn quen và thích nghi với khí cụ. 

Nguyên nhân gây đau nhức, khó chịu, vướng víu đến từ: 

  • Do lực kéo, siết của dây cung: các khí cụ phải tác động lực lên răng để nắn chỉnh răng về đúng vị trí. Tuy nhiên, cũng vì lực kéo này mà gây đau nhức, khó chịu. 
  • Mắc cài xước vào má: trường hợp này đến từ phương pháp niềng răng mắc cài. Chúng cào vào má gây chảy máu, khó chịu trong suốt quá trình niềng răng. Và trong quá trình niềng răng cứ răng nào dịch chuyển thì mắc cài đó sẽ cào vào má. Lúc này, có thể gây lở, loét miệng cũng khiến tình trạng chán ăn diễn ra. 
những bất tiện khi niềng răng
Đau nhức và cực kỳ khó chịu – những bất tiện khi niềng răng

Ăn uống không dễ dàng, ăn cháo cũng đau

Khi đeo niềng răng, răng đã được cố định nên việc nhai như bình thường là không thể. Cùng với đó, cảm giác đau nhức càng khiến việc ăn uống trở nên bất tiện, đặc biệt là những ngày đầu khi chưa quen với niềng. Lúc này, dù có há miệng ăn cháo cũng cảm thấy khó khăn.  Đồng thời, cũng không thể nào cắn nhỏ hay nhai nhỏ thức ăn được như lúc chưa niềng. Kể cả những thức ăn mềm như chuối cũng có thể không thể nhai nổi. 

Để tránh đau nhức khi ăn và tránh ảnh hưởng dinh dưỡng cho cơ thể thì nên chú ý đến chế độ ăn như sau:

  • Hạn chế ăn thực phẩm quá cứng, quá dai, có tính dính cao 
  • Hạn chế ăn thực phẩm quá nóng, quá lạnh
  • Nên bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, tránh tình trạng chán ăn, bỏ bữa
  • Tăng cường bổ sung trái cây, rau quả để đáp ứng dưỡng chất, vitamin và khoáng chất, chất xơ
  • Bổ sung các thực phẩm mềm, lỏng, không cần nhai nhiều: cháo, súp, canh hầm, sữa, bột ngũ cốc, nước ép trái cây,…
những bất tiện khi niềng răng
Những bất tiện khi niềng răng – Ăn uống không dễ dàng, ăn cháo cũng đau

Bất tiện giao tiếp – Nói ngọng, phát âm không chuẩn và mất thẩm mỹ

Giao tiếp khó khăn cũng là một trong những bất tiện khi niềng răng cần được chuẩn bị tâm lý. Bởi đeo niềng cố định sẽ lộ mắc cài khi nói chuyện, cười nên một số người sẽ mất tự ti, hạn chế giao tiếp trong cuộc sống hằng ngày và công việc. 

Đồng thời, nói ngọng, khó phát âm khi nói cũng thường gặp đối với những người niềng răng. Thế nên, ảnh hưởng lớn đối với những người cần học hay giao tiếp bằng ngoại ngữ. 

Có một số trường hợp khách hàng sẽ có cảm giác lưỡi bị ngắn đi, nói ngọng 1 số từ như s, x, ch, tr.

Tuy nhiên, sau khi đã quen với mắc cài trong khoảng 1-2 tháng thì tình trạng này sẽ hết. 

Khó vệ sinh răng miệng 

Vệ sinh răng miệng là một trong những bất tiện hàng đầu được nhiều người niềng răng lo lắng nhất. Bởi những trường hợp vệ sinh không đúng, chải răng quá mạnh hay dùng bàn chải quá cứng dẫn đến tình trạng chảy máu lợi. Về lâu dài, có thể gây nên các bệnh lý viêm lợi, viêm nha chu, hôi miệng. 

Bên cạnh đó, dây cung và mắc cài khi gắn vào răng sẽ không có khoảng trống nhiều nên khiến việc vệ sinh trở nên khó khăn. Lúc này, mảng bám, thức ăn thừa còn tồn đọng ở kẽ răng, mắc cài gây nên các bệnh lý, thường gặp nhất là sâu răng. 

Đặc biệt, những người chọn niềng răng mặt lưỡi thì vấn đề vệ sinh càng trở nên bất tiện hơn vì không nhìn thấy gì khi chải răng, vệ sinh. 

Cách khắc phục những bất tiện khi vệ sinh răng miệng trong niềng răng: 

  • Thực hiện vệ sinh răng miệng đều đặn mỗi ngày,  tối thiểu 2 ngày/lần bằng bàn chải lông mềm. Để chải răng tránh tổn thương đến lợi, nướu và chải răng nhẹ nhàng, đúng kỹ thuật và hướng dẫn của bác sĩ.
  • Nên kết hợp dùng nước muối sinh lý, nước súc miệng để làm sạch khoang miệng, loại bỏ mảng bám và vi khuẩn tốt hơn. 
  • Nên dùng chỉ nha khoa để loại bỏ thức ăn bị giắt ở kẽ răng 
  • Sau mỗi lần ăn cần vệ sinh mắc cài, kẽ răng để đảm bảo răng luôn sạch, ít mảng bám. 
những bất tiện khi niềng răng
Những bất tiện khi niềng răng – Khó vệ sinh răng miệng

Dễ bung mắc cài, vỡ khí cụ chỉnh nha

Đây cũng chính là một trong những bất tiện khi niềng răng cần được chú ý kể cả trong ăn uống và vận động hằng ngày. 

Trường hợp vận động mạnh, chơi thể thao có sự va đập vô cùng nguy hiểm với người niềng răng, đặc biệt với hệ thống mắc cài sứ. Bởi chỉ cần va đập mạnh sẽ khiến mắc cài bị vỡ, nứt. Điều này không chỉ gây mất thời gian, ảnh hưởng đến kết quả niềng mà còn tốn thêm chi phí thực hiện lại. 

Đồng thời, đi đứng cũng phải cẩn thận tránh té ngã. Bởi khi niềng tạo lực giúp răng dịch chuyển, các răng chưa cố định rất dễ bị gãy, thậm chí là mất răng. 

Ngoài ra, để đảm bảo không bung rơi mắc cài thì cần phải cẩn thận với các loại thức ăn cứng, dai vì chúng dễ làm gãy, rơi khí cụ chỉnh nha. 

Đặc biệt, tránh dùng răng đang đeo niềng cắn, mở nắp chai bia, nước ngọt hay siết mía. 

Trên đây là những bất tiện khi niềng răng thường gặp ở các khách hàng chỉnh nha. Hy vọng đã cung cấp thêm kinh nghiệm, thông tin để mọi người có sự chuẩn bị tâm lý vững vàng cho quá trình chỉnh nha của mình. Đồng thời, biết cách ăn uống, chăm sóc răng miệng khi niềng răng để có kết quả thành công như mong muốn. 

Anh Thy 

chat zalo
messenger