Răng móm là tình trạng sai khớp cắn không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn cản trở ăn nhai và khó khăn trong việc vệ sinh răng miệng. Do đó, việc khắc phục khuyết điểm này vô cùng quan trọng. Trong đó, niềng răng chính là giải pháp tối ưu nhất trong khắc phục tình trạng răng móm. Để biết có những cách niềng răng móm nào, cùng theo dõi bài viết sau đây nhé.
Mục Lục
Răng móm là răng có đặc điểm thế nào?
Răng móm là một trong những dạng sai khớp cắn thường gặp, đây là tình trạng sai lệch tương quan giữa hai hàm. Nếu như răng phát triển bình thường, khi khép miệng lại thì cung răng hàm trên sẽ phủ ngoài cung răng hàm dưới, tuy nhiên với những người bị móm khớp cắn sẽ ngược lại. Lúc này, hàm dưới đưa ra nhiều hơn hàm trên.
Biểu hiện của móm dễ nhận biết và có thể tự quan sát tại nhà: Bạn có thể thấy hàm dưới đưa ra phía trước nhiều hơn, khiến vùng môi dưới hay vùng cằm nhô ra. Nếu như quan sát gương mặt theo góc nghiêng sẽ thấy mặt có dạng lõm, gây mất cân đối và ảnh hưởng thẩm mỹ tổng thể.
Những người bị móm, đầu tiên sẽ đối mặt với tình trạng thẩm mỹ, khiến bạn vô cùng tự ti, không dám thể hiện bản thân trong cuộc sống hằng ngày cũng như công việc. Không chỉ vậy mà răng móm còn gây khó khăn trong việc ăn uống và chăm sóc răng miệng, và nguy cơ cao là mắc các bệnh lý về răng miệng: sâu răng, viêm nướu, viêm nha chu,….
Niềng răng móm có hiệu quả không?
Trước khi tìm hiểu kỹ về niềng răng móm, mọi người nên biết răng móm như thế nào thì niềng răng hiệu quả hay tình trạng của mình có phù hợp niềng răng không. Móm được chia thành 2 tình trạng: móm do răng và móm do xương hàm. Tùy vào nguyên nhân móm mà bác sĩ chọn phương pháp phù hợp nhất để điều trị và khắc phục khuyết điểm.
Đối với móm do răng
Nếu như tình trạng của bạn là móm do răng, xương hàm bình thường, không bị lệch thì phương pháp niềng răng là giải pháp tối ưu. Lúc này, bác sĩ sẽ thăm khám và tư vấn niềng răng móm phù hợp để răng được điều chỉnh về đúng vị trí trên cung hàm. Từ đó, nâng cao thẩm mỹ và cải thiện ăn nhai tốt hơn.
Đối với móm do xương hàm
Móm do xương hàm là hiện tượng cấu trúc xương hàm dưới phát triển mạnh hơn hàm trên khiến cho hàm dưới bị đưa ra ngoài nhiều hơn, hàm trên thụt vào trong. Trong trường hợp này răng mọc thẳng không gây ảnh hưởng. Do đó, phương pháp niềng răng sẽ không tối ưu mà bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật hàm. Để phẫu thuật hàm thành công, đòi hỏi các bác sĩ phải có kinh nghiệm, chuyên môn cao, tay nghề, kỹ thuật tốt tiến hành cắt bỏ phần xương hàm móm. Sau đó, từ từ đẩy lùi hàm về phía sau, sao cho khớp cắn giữa hai hàm đạt tỷ lệ chuẩn.
Các cách niềng răng móm
Có 4 cách niềng răng móm hiệu quả hiện nay: niềng mắc cài kim loại, mắc cài sứ, niềng răng mặt trong, niềng răng trong suốt. Tùy vào tình trạng móm cũng như tình trạng sức khỏe răng miệng mà chọn cách niềng răng phù hợp nhất. Để biết tình trạng của mình phù hợp cách niềng răng nào, mọi người nên tìm hiểu thật kỹ các phương pháp. Đồng thời, nên đến trực tiếp nha khoa thăm khám, kiểm tra để được bác sĩ tư vấn niềng răng móm hiệu quả.
Cách niềng răng móm bằng niềng răng mắc cài kim loại
Niềng răng mắc cài kim loại được chia thành niềng răng mắc cài kim loại truyền thống và tự buộc.
Niềng răng mắc cài kim loại truyền thống là phương pháp có mặt từ lâu và đem lại hiệu quả cao khi thực hiện chỉnh nha từ ca nhẹ đến khó, khắc phục hoàn toàn khuyết điểm của răng. Cách niềng răng móm này sử dụng khí cụ là bộ mắc cài được làm từ thép không gỉ, dây cung và dây thun cố định. Khí cụ sẽ tác động lực giúp răng dịch chuyển về đúng vị trí trên cung hàm, cân đối khớp cắn. Phương pháp này có chi phí thấp, bền và vô cùng hiệu quả nhưng mọi người cần chú ý chế độ vệ sinh răng miệng.
Niềng răng mắc cài kim loại tự buộc là phương pháp cải tiến hơn so với phương pháp truyền thống. Thay vì sử dụng thun cố định thì phương pháp này sử dụng hệ thống mắc cài tự động giúp dây cung trượt tự do trong rãnh mắc cài mà không cần dùng dây thun. Điều này hạn chế sự bung, dãn dây thun, đem lại hiệu quả chỉnh nha cao, nhất là các ca khó.
Cách niềng răng móm bằng niềng răng mắc cài sứ
Niềng răng mắc cài sứ cũng sử dụng khí cụ và cơ chế hoạt động như niềng răng mắc cài kim loại. Và niềng răng mắc cài sứ vẫn có niềng răng mắc cài tự động.
Điểm khác biệt so với niềng răng mắc cài kim loại là các mắc cài được làm bằng sứ. Màu sắc của sứ tương đồng với màu men răng nên đem đến tính thẩm mỹ trong suốt quá trình đeo niềng. Tuy nhiên, mắc cài sứ lớn hơn mắc cài kim loại nên gây cộm, song được mài dũa các góc kỹ nên hạn chế tổn thương mô mềm. Phương pháp có chi phí thực hiện khá cao, nhưng mắc cài lại rất dễ vỡ nên trong thời gian đeo niềng phải vô cùng cẩn thận các lực va đập từ bên ngoài.
Cách niềng răng móm bằng niềng răng mặt trong
Niềng răng mặt trong còn được gọi là niềng răng mặt lưỡi. Phương pháp này cũng sử dụng khí cụ và cơ chế hoạt động như niềng răng kim loại. Tuy nhiên, niềng sẽ không gắn cố định ở mặt ngoài mà gắn cố định mặt trong của răng, mặt đối diện với lưỡi. Do đó, phương pháp này đem lại tính thẩm mỹ cao, hiệu quả nhưng có thể sẽ gây khó chịu bởi cộm cấn lưỡi.
Niềng răng trong suốt
Niềng răng trong suốt còn được gọi là niềng răng vô hình, hay niềng răng tháo lắp. Bởi khí cụ niềng không cố định trên răng mà dễ dàng tháo lắp tại nhà. Các khay niềng được làm từ nhựa trong suốt, được thiết kế theo form răng của từng người nên khay niềng ôm sát lấy răng tác động lực giúp răng dịch chuyển. Và chính vì khay niềng trong suốt nên đem lại tính thẩm mỹ cao. Không chỉ vậy, phương pháp này còn tiết kiệm thời gian đến nha khoa, dễ dàng vệ sinh, tháo lắp, không quá kiêng khem về chế độ ăn.
Tình trạng của mỗi bệnh nhân mỗi khác nên cân nhắc về đặc điểm của từng phương pháp để hiệu quả nhất. Đồng thời, xét về yêu cầu thẩm mỹ hay điều kiện kinh tế mà chọn phương pháp cho phù hợp nhất.
Qua những thông tin về các cách niềng răng móm trong bài viết mà nha khoa My Auris chia sẻ, hy vọng mọi người nắm được các phương pháp để chọn cách niềng phù hợp nhất, nhanh chóng sở hữu hàm răng đều, đẹp, nụ cười tự tin.
Anh Thy