Bệnh quai bị có nguy hiểm không?

Bệnh quai bị có nguy hiểm không?

Quai bị là bệnh do virus paramyxovirus gây nên, đây là một bệnh truyền nhiễm cấp tính khá phổ biến ở trẻ em. Ở thời điểm hiện tại, vẫn chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị bệnh quai bị. Những lưu ý cần thiết là cần có sự chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh gây các biến chứng về sau.

Bệnh quai bị là bệnh gì?

Quai bị là bệnh do loại vi trùng thuộc nhóm Paramyxovirus gây nên. Nó còn có tên gọi khác như: Bệnh viêm tuyến mang tai do virus quai bị hoặc bệnh viêm tuyến mang tai dịch tễ. Bệnh quai bị là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây trực tiếp thông qua đường hô hấp hoặc gây thành dịch trong trẻ em, thanh thiếu niên.

Biểu hiện phổ biến của bệnh là triệu chứng viêm tuyến nước bọt ở mang tai nhưng không hóa mủ. Người là ký chủ trong thiên nhiên của bệnh quai bị. Nó có khả năng tạo miễn dịch kéo dài và bền vững và bệnh hiếm khí tái lại lần hai.

Bệnh quai bị là bệnh gì?
Bệnh quai bị là bệnh gì?

 

Nguyên nhân gây bệnh

Hiện nay, quai bị là bệnh đã xuất hiện trên toàn thế giới và bệnh chỉ có dấu hiệu xuất hiện và lan truyền ở người. Người dễ mắc bệnh quai bị nhất là các trẻ nhỏ và người ở lứa tuổi vị thành niên, ở người lớn cũng có trường hợp mắc bệnh nhưng lại chiếm tỷ lệ thấp hơn.

Bệnh do virus quai bị (Mumps virus), thuộc họ Paramyxoviridae lây truyền trực tiếp qua đường ăn uống và đường hô hấp, ngoài ra nó còn lan truyền thông qua các giọt bắn của nước bọt khi người bệnh nói, hắt hơi hoặc ho. Trường hợp quai bị lây qua đường nước tiểu hay đường phân vẫn chưa có kết quả xác định cụ thể dù virus có khả năng tồn tại trong nước tiểu tầm khoảng 2 đến 3 tuần.

Khi bệnh nhân bị nhiễm bệnh, virus sẽ có khả năng nhân lên trong khoang tỵ hầu và phần hạch bạch huyết. Nó sẽ có khả năng tăng cao trong huyết thanh khoảng tầm 12 đến 15 ngày sau khi nhiễm và sẽ có dấu hiệu lan ra các cơ quan khác. Bệnh có khả năng lây lan từ 6 ngày trước khi có các biểu hiện sưng tuyến mang tai cho đến 2 tuần sau khi có các triệu chứng cụ thể hơn của bệnh lý.

Triệu chứng của bệnh quai bị

Triệu chứng của bệnh sẽ được thể hiện qua từng giai đoạn, mỗi giai đoạn sẽ có những biểu hiện khác nhau

  • Giai đoạn ủ bệnh: khoảng tầm 12-15 ngày, giai đoạn ủ bệnh không có dấu hiệu triệu chứng
  • Giai đoạn khởi bệnh: Bệnh nhân sẽ gặp tình trạng cơ thể bị suy nhược, mệt mỏi, đau đầu, kén ăn. Có dấu hiệu sốt nhẹ, đau họng và đau góc hàm, nhận biết thông qua dấu hiệu đau mỏm chũm-khớp thái dương hàm-góc dưới của xương hàm. Tiếp đến sẽ có biểu hiện tuyến mang tai sưng to dần và đau nhức, sẽ đau hơn khi nhai.
  • Giai đoạn phát bệnh: Tuyến mang tai của người bệnh sẽ sưng to và đau nhức, tiếp đến sẽ lan sang bên đối diện và tuyến nước bọt khác. Dấu hiệu đi kèm ở giai đoạn này, bệnh nhân sẽ bị sốt 38, 39 độ trong vòng 3 ngày đầu. Ngoài ra còn đi kèm chán ăn, đau bụng, gặp khó khăn trong hoạt động ăn uống và giao tiếp.
  • Giai đoạn hồi phục: Tuyến mang tai sẽ có dấu hiệu giảm đau và nhỏ dần đi, các triệu chứng đi kèm như: Đau họng, khó nhai, khó nuốt, đau nhức xương hàm cũng sẽ dần được giảm và khỏi hẳn sau khoảng thời gian một tuần.
Triệu chứng của bệnh quai bị
Triệu chứng của bệnh quai bị

Bệnh quai bị có nguy hiểm không?

Đối với bất cứ bệnh nào cũng cần được quan tâm và thăm khám kịp thời nhằm tránh các biến chứng nguy hiểm về sau. Quai bị cũng vậy, nó cũng là một căn bệnh tương đối nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ rất dễ gây ra các biến chứng không đáng có.

  • Gây viêm tinh hoàn: Nguy hiểm hơn có thể là hiện tượng teo tinh hoàn, biến chứng nguy hiểm dẫn đến vô sinh ảnh hưởng đến cuộc sống sau này. Nhưng hiện tượng này có tỷ lệ khá thấp đối với những người bị bệnh, chỉ chiếm khoảng 0,5%
  • Viêm buồng trứng đối với nữ: Dấu hiệu điển hình là đau bụng, rong kinh. Đáng lưu ý, đối với phụ nữ đang mang thai mà mắc bệnh trong vòng 3 tháng đầu tiên của thai kỳ rất dễ dẫn đến hiện tượng sảy thai hoặc thai chết lưu trong bụng mẹ.
  • Hiện tượng viêm cơ tim
  • Viêm não, viêm màng não
  • Nhồi máu phổi: Biến chứng này do huyết khối từ tĩnh mạch tuyến tiền liệt
  • Viêm tụy cấp tính: Thường nhẹ, không có triệu chứng

Đối với người lớn, tuy tỷ lệ mắc bệnh sẽ không cao như trẻ em. Nhưng cũng không vì thế mà chủ quan vì ở người lớn sẽ có tiến triển nặng và để lại các biến chứng nguy hiểm. Các biến chứng kể trên có thể xảy ra với tỷ lệ thấp nhưng cũng không thể chủ quan. nó không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, đặc biệt có thể gây vô sinh và đe dọa đến tính mạng người bệnh.

Phương pháp dự phòng và điều trị quai bị

Phương pháp dự phòng bệnh quai bị

Trong mọi sinh hoạt hàng ngày, gia đình cần trang bị một số biện pháp phòng tranh sau:

  • Cần súc họng bằng nước muối hoặc sử dụng các dung dịch kháng khuẩn. Thực hiện vệ sinh cá nhân thường xuyên
  • Luôn giữ không gian sống được sạch sẽ, thoáng mát, vệ sinh định kỳ các đồ chơi và vật dụng trẻ hay sử dụng. 
  • Nếu gia đình có người mắc bệnh, cần cách ly trẻ tránh xa người bệnh
  • Khi đi đến các nơi đông người như bệnh viện hay các khu vui chơi, cha mẹ nên cho trẻ mang khẩu trang để phòng tránh nguy cơ lây bệnh cao
  • Thực hiện tiêm vaccine cho trẻ: Vaccine quai bị, hoặc vaccine sởi quai bị rubella.

Theo thông tin nhiều cơ quan y khoa và Tổ chức Y tế Thế giới ở các nước phát triển khuyến cáo việc đưa vaccine quai bị vào trong chương trình tiêm chủng. Vaccine quai bị thường được kết hợp với vaccine sởi, rubella trong cùng một chế phẩm (MMR) để có thể đơn giản hóa quá trình tiêm phòng. Không riêng gì ở trẻ em mà ngay cả người lớn, đặc biệt là ở phụ nữ có ý định mang thai đều cần tiêm phòng quai bị.

Phương pháp dự phòng và điều trị bệnh quai bị
Phương pháp dự phòng và điều trị bệnh quai bị

Phương pháp điều trị quai bị

Đối với bệnh quai bị vẫn chưa có thuốc điều trị, chủ yếu các phương pháp hiện nay vẫn là điều trị hỗ trợ, chăm sóc người bệnh và phòng ngừa các biến chứng.

  • Nên đi khám bác sĩ để chẩn đoán chính xác khi người bệnh có dấu hiệu đau ở vùng mang tai. Vì hiện tượng viêm tuyến nước bọt không chỉ do virus quai bị gây ra mà còn có thể do các vi khuẩn khác gây ra.
  • Cần uống nhiều nước để bù nước, có thể sử dụng Oresol
  • Sử dụng thuốc hạ sốt, giảm đau nhằm giảm nhẹ các triệu chứng
  • Chườm mát để tuyến nước bọt bớt đau, sưng
  • Không ăn các loại thực phẩm cứng, thức ăn cay nóng hoặc có tính acid. Người bệnh cần ăn thức ăn mềm, dễ cho quá trình nhai nhu cháo, súp
  • Trong quá trình bệnh, người bệnh cần có thời gian nghỉ ngơi không tiếp xúc với các đối tượng nguy cơ lây nhiễm cao.
  • Không sử dụng thuốc kháng sinh khi không có sự chỉ định của bác sĩ
  • Bệnh nhân nam có dấu hiệu viêm tinh hoàn hay bệnh nhân nữ bị viêm buồng trứng, người bệnh cần vào viện để được theo dõi và điều trị tránh biến chứng không đáng xảy ra.

Yến Nhi

Để lại một bình luận

chat zalo
messenger