Khi trẻ mọc răng, trẻ thường bị sốt kèm các triệu chứng khó chịu nên thường hay quấy khóc. Song, nhiều bậc phụ huynh không nhận biết và đôi khi không phân biệt sốt do bệnh hay do mọc răng. Thấu hiểu nỗi lòng của các bậc phụ huynh, My Auris chia sẻ một số thông tin về triệu chứng, bé mọc răng sốt mấy ngày cũng như cách chăm sóc bé phù hợp qua bài viết sau đây nhé.
Mục Lục
Thời điểm bé bắt đầu mọc răng
Từ 4-7 tháng tuổi, bé sẽ bắt đầu mọc chiếc răng đầu tiên. Song, độ tuổi này sẽ có sự khác nhau tùy vào mỗi trẻ, cơ địa, sức khỏe. Thứ tự mọc răng của trẻ sẽ là:
- Hai răng cửa dưới
- 2 răng cửa trên
- 2 răng cửa bên hàm trên
- 2 răng cửa bên hàm dưới
- Răng hàm
- Răng nanh
Khi trẻ đến 2 tuổi trẻ sẽ mọc đầy đủ 20 chiếc răng sữa. Trình tự mọc răng này cũng sẽ có sự khác nhau ở mỗi trẻ. Do đó, tùy vào sức khỏe, cơ địa của bé mà các bậc phụ huynh có sự chăm sóc và theo dõi quá trình mọc răng phù hợp.
Dấu hiệu nhận biết bé mọc răng
Đa phần các trẻ khi mọc răng đều xuất hiện triệu chứng sốt. Tuy nhiên, dấu hiệu sốt này dễ bị nhầm lẫn đến các trường hợp sốt do bệnh.
Nếu bé sốt cho mọc răng thường nhẹ chỉ từ 38-38.5 độ C. Trường hợp, các bé bị sưng viêm nướu răng thì mới bị sốt cao hơn. Và nướu răng sưng đỏ là biểu hiện của răng sắp nhú ra ngoài.
Bên cạnh biểu hiện sốt, khi mọc răng sẽ có một số triệu chứng khác kèm theo như:
- Chảy nước mũi
- Ngứa nướu: Răng chuẩn bị nhú ra làm cho trẻ cảm thấy ngứa nướu và thường cắn đồ chơi, núm ti hay những đồ vật cầm lên
- Chảy dãi: Khi chuẩn bị mọc răng, trẻ sẽ có biểu hiện chảy dài nhiều. Có nhiều trẻ chảy nước dãi ướt hết cả áo cần phải thay thường xuyên.
- Biếng ăn: Nướu sưng, đỏ và sốt có thể gây đau và làm trẻ mệt mỏi nên trẻ sẽ ăn ít hoặc không muốn ăn, có thể bỏ bú
- Khó ngủ, ngủ không sâu, hay quấy khóc: Trong giai đoạn mọc răng, trẻ thường mệt mỏi, khó chịu, hay quấy khóc và không ngủ sâu.
Bé mọc răng sốt mấy ngày?
Thực tế trẻ mọc răng bị sốt là hiện tượng sinh lý và tự hết sau 3-4 ngày khi răng nhú lên khỏi lên. Nguyên nhân gây sốt là do nướu răng bị sưng viêm hoặc do trầy xước khi trẻ gặm đồ chơi. Do đó, phản xạ tự nhiên sốt chống lại viêm nhiễm trên là cơ chế có lợi.
Tuy nhiên, nếu tình trạng sốt cao trên 39 độ kéo dài, đồng thời có kèm các triệu chứng như co giật, ho, khó thở, đau nhức tai… thì cha mẹ cần đưa trẻ đi khám ngay vì đó có thể là sốt do bệnh như viêm phổi, viêm mũi họng, viêm tai giữa, viêm amidan,…
Thông thường sau 3-4 ngày trẻ hết sốt nhưng sau đó có thể trẻ sẽ bị sốt lại khoảng vài tuần hoặc 1 tháng sau. Bởi trẻ mọc răng liên tiếp, cách nhau nhiều đợt cho tới khi đủ 20 chiếc răng sữa.
Cách chăm sóc bé sốt trong giai đoạn mọc răng
Sốt do mọc răng không nghiêm trọng nên các mẹ đừng quá lo lắng. Trong giai đoạn này, các ông bố bà mẹ cần có cách chăm sóc và theo dõi bé đúng cách. Cụ thể như sau:
Lau người cho trẻ bằng nước ấm
Trường hợp trẻ sốt dưới 38 độ C, bố mẹ nên cởi bớt quần áo cho trẻ và lau người bằng nước ấm. Tuyệt đối không quấn thêm khăn, trùm mền kín khi trẻ sốt. Những lúc này chỉ nên cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, thấm hút mồ hôi, dễ chịu.
Bổ sung thêm nước cho trẻ
Trong giai đoạn bé mọc răng, bố mẹ nên thường xuyên bổ sung nước cho trẻ Bố mẹ có thể cho con bú sữa, uống nước ép hoa quả, oresol để bù nước cho cơ thể. Quan trọng nhất là bổ sung nước lọc, nếu trẻ ít uống, bố mẹ dùng bông mềm thấm quanh miệng trẻ để tránh bị khô môi, khô họng.
Theo dõi thân nhiệt cho trẻ
Mặc dù sốt do mọc răng không cao nhưng bố mẹ cần theo dõi thân nhiệt trẻ thường xuyên, đảm bảo không vượt quá 39 độ. Nếu sốt cao hơn, bố mẹ nên đưa trẻ đi bệnh viện kiểm tra sức khỏe.
Vệ sinh răng miệng cho trẻ
Trong thời gian trẻ nhỏ mọc răng và sốt, bố mẹ nên lưu ý vệ sinh răng miệng thật sạch sẽ. Bố mẹ nên sử dụng gạc tiệt trùng để làm sạch răng, nướu và lưỡi cho trẻ. Đặc biệt, khi vệ sinh chú ý nhẹ nhàng tránh làm tổn thương nướu của bé. Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể dùng nước muối sinh lý để vệ sinh, diệt khuẩn khoang miệng cho trẻ.
Sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ định bác sĩ
Tốt nhất chỉ nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol theo đúng liều lượng mà bác sĩ chỉ định. Đặc biệt, chỉ khi trẻ sốt cao hơn 38.5 độ thì hãy dùng thuốc. Thông thường bác sĩ khuyến cáo cho trẻ uống Paracetamol liều 10-15mg/1kg để hạ sốt, giảm đau.
Lưu ý khi trẻ bị sốt trong giai đoạn mọc răng
- Trẻ mọc răng thường khó chịu và thích gặm đồ chơi. Bố mẹ thường xuyên theo dõi và hạn chế cho bé gặm đồ chơi, đặc biệt là những đồ sắc nhọn, vuông vức ảnh hưởng đến nướu của bé.
- Đồng thời, bố mẹ nên thường xuyên vệ sinh, khử trùng đồ chơi để tránh ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ.
- Sử dụng ti giả chất lượng và phù hợp độ tuổi.
- Nên cho trẻ nhâm nhi bánh ăn dặm theo đúng độ tuổi
- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ dưỡng chất, để tăng cường sức đề kháng chống viêm nhiễm, giảm sốt nhanh chóng.
Trên đây là những thông tin về bé mọc răng sốt mấy ngày, hy vọng các bậc phụ huynh có thêm thông tin hữu ích và kinh nghiệm chăm sóc. Việc theo dõi thân nhiệt, triệu chứng của trẻ rất quan trọng, nếu trẻ sốt cao kèm triệu chứng bất thường nên đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám ngay.
Anh Thy