Răng khôn là một từ không hề xa lạ với nhiều người, tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ về nó. Vậy, răng khôn là gì? Răng khôn là răng số mấy trên cung hàm? răng khôn là răng nào? răng khôn có mấy cái, răng khôn có tác dụng gì? Là những câu hỏi mà không phải ai cũng có thể trả lời được. Nếu bạn chưa biết thì cùng tìm hiểu với chúng tôi nhé!
Mục Lục
1. Răng khôn là gì? răng khôn có mấy cái?
Răng khôn là tên gọi của những chiếc răng mọc lên sau cùng. Tương tự như những răng khác, răng khôn cũng có 4 cái, 2 cái mọc ở hàm trên và 2 cái ở hàm dưới.
Răng khôn thường mọc khi xương hàm đã ngừng tăng trưởng và phát triển. Do đó, bạn sẽ không thể thấy được răng này ở trẻ nhỏ, mà chúng chỉ xuất hiện khi bạn bước vào tuổi trưởng thành từ 18 – 25 tuổi, hoặc có thể trễ hơn.
2. Răng khôn là răng số mấy?
Răng khôn là răng số 8, thường mọc ở vị trí trong cùng của cung hàm, kế cận răng hàm số 7. Do đây là những chiếc răng vĩnh viễn mọc sau cùng, thế nên khi trồi lên cung hàm thường không đủ chỗ dành cho chúng. Điều này có thể dẫn đến tình trạng răng mọc lệch, xô đẩy lẫn nhau hoặc mọc chen chúc vào các răng khác, dẫn đến sưng viêm, gây đau đớn cho bệnh nhân.
Ngoài ra, có một số trường hợp những chiếc răng khôn không mọc lên hẳn mà mọc ngầm dưới mô nướu và đâm chọc vào chân răng của những chiếc răng khác, khiến phần nướu bị sưng tấy và lây lan đau nhức cho những răng kế cận.
3. Răng khôn có tác dụng gì?
Thực tế, do xuất hiện muộn màng khi mà những chiếc răng còn lại đã phát triển đầy đủ, xương hàm không còn tăng trưởng nữa, răng khôn khi “ló dạng” đã không còn chỗ đứng vững chắc trên cung hàm. Do đó, chúng bắt buộc mọc lệch hoặc lấn chỗ của những răng khác (răng số 7). Và trong trường hợp này, răng khôn cũng không thể đảm nhiệm bất kỳ vai trò nào cả về mặt thẩm mỹ hay chức năng ăn nhai, vì thế, chúng được xem là “răng thừa” không-quan-trọng.
Nói cách khác, răng khôn còn được gọi là “kẻ thù” của nhiều người vì chúng mang lại nhiều phiền toái và đau đớn. Nếu chúng mọc thẳng, đúng vị trí, không nghiêng ngả hay đâm chọc vào các răng kế cận sẽ ít gây đau nhức khó chịu. Ngược lại, nếu răng khôn mọc lệch, mọc ngầm… mà không có sự can thiệp nhổ bỏ của bác sĩ sẽ gây ra nhiều biến chứng cho bạn như:
-
Viêm nhiễm
Được xem là biến chứng thường gặp nhất khi mọc răng khôn. Vùng nướu ở vị trí răng khôn thường bị sưng tấy, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập và gây viêm nhiễm. Khi gặp phải tình trạng này, bệnh nhân thường cảm thấy đau nhức, khó chịu, dễ cáu gắt, thậm chí nhiều trường nặng còn bị chảy mủ ở vị trí răng khôn mọc.
Ngoài ra, nếu không chữa trị kịp thời vùng viêm nhiễm sẽ lây lan sang các mô khác trong môi trường khoang miệng như lưỡi, má trong … khiến bệnh tình trở nên nặng hơn, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tinh thần người bệnh.
-
Sâu răng
Răng số 8 bị sâu cũng là tình trạng phổ biến, đặc biệt là những răng mọc lệch mọc ngang. Nguyên nhân là do chúng nằm không đúng vị trí, thậm chí có răng còn đè lên răng khác, khiến thức ăn đưa vào cơ thể đọng lại giữa các kẽ răng và quanh chân răng không được làm sạch khiến vi khuẩn dễ tấn công, gây sâu răng. Ngoài ra, do là răng mọc ở vị trí trong cùng của cung hàm nên bàn chải khó tiến sâu vào trong để làm sạch, vì thế, chúng dễ trở thành mục tiêu của vi khuẩn do không được chăm sóc kỹ lưỡng.
-
Ảnh hưởng xấu đến những răng khác
Với những cung hàm nhỏ, không đủ chỗ cho răng khôn mọc thẳng, thì chúng thường sẽ có xu hướng đâm vào phần chân hoặc phần thân của răng hàm kế cận (răng số 7). Vì thế, răng này dễ bị lung lay và tổn thương, khiến vi khuẩn dễ dàng tấn công vào và gây sâu răng, nghiêm trọng hơn là tủy răng có thể bị ảnh hưởng. Nếu không kịp thời phát hiện và điều trị, bạn có thể mất vĩnh viễn răng số 7.
4. Có nên nhổ bỏ răng khôn hay không?
Thông thường, khi các răng khôn bắt đầu xuất hiện những biến chứng như sưng viêm, đau nhức răng liên tục… thì bác sĩ thường sẽ chỉ định nhổ bỏ để ngăn ngừa sự phát tán hay lây lan sang những vùng răng khác.
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng bắt buộc phải nhổ răng khôn. Chúng có thể được giữ lại nếu như:
- Răng mọc thẳng, bình thường như các răng khác, không bị mắc kẹt với mô xương và nướu nên sẽ không gây ra biến chứng hay đau nhức ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh. Tuy nhiên, nếu muốn giữ lại thì bệnh nhân cần chăm sóc, vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng để bảo vệ răng cũng như ngăn ngừa sự xâm nhập của vi khuẩn răng miệng.
- Đối với một số bệnh nhân mắc các bệnh lý mãn tính như tim mạch, rối loạn đông cầm máu, đái tháo đường … thì việc loại bỏ răng khôn rất nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của họ.
Hiểu được vị trí, vai trò và những ảnh hưởng của răng khôn, sẽ giúp bạn có những biện pháp bảo vệ răng miệng phù hợp. Tuy nhiên, để biết được bạn có nên nhổ răng khôn khi chúng bắt đầu xuất hiện hay không, cần có sự thăm khám của bác sĩ. Hơn nữa, đây là một thủ thuật nguy hiểm, yêu cầu tay nghề bác sĩ cao cùng sự hỗ trợ đắc lực của trang thiết bị hiện đại, để đảm bảo quá trình nhổ răng khôn diễn ra an toàn và bảo đảm sức khỏe cho bệnh nhân. Cách tốt nhất là bạn nên tìm đến những bệnh viện, địa chỉ nha khoa uy tín để được tư vấn, xem xét, chụp X-quang và làm xét nghiệm để tránh những rủi ro ngoài ý muốn.
Đọc thêm bài viết Răng khôn mọc ở đâu? Khi nào? Bao lâu? để hiểu thêm về quá trình mọc răng khôn và có sự chuẩn bị tốt nhất, tránh những ảnh hưởng không mong muốn đến sức khỏe của bạn nhé!